CHI TIẾT SẢN PHẨM
Khuê Văn Các có kiến trúc dạng cổ lầu, tầng gác bên trên là những kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can bằng gỗ tiện, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, vững chắc mà thanh thoát. Bốn mặt bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và thanh gỗ chống tượng chưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ Khuê Văn Các. Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng rất có ý nghĩa.
Về ý nghĩa các phần kiến trúc và tên đặt của Khuê Văn Các có thể hiểu như sau: Theo Kinh dịch, những con số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) thuộc về dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển. Khuê Văn Các có 8 mái là bát quái, có thêm một nóc ở trên là 9. Số 9 là cửu trù, số cực dương. “Khuê Văn” theo cách lý giải truyền thống về thiên thể thì Khuê là tên một ngôi sao trong chòm 28 sao sắp xếp giống hình chữ Văn (của chữ Hán). Trong sách Hiếu kinh có ghi: “Khuê chủ văn chương”- tức Khuê tượng trưng cho Văn Chương. Về sau người ta còn coi “Khuê” là người đứng đầu của quan văn.
huê Văn Các cùng với hai cửa phụ là Bí Văn và Súc Văn ở bức tường tiếp giáp với khu vực giếng Thiên Quang và bia Tiến sĩ. Bí Văn, với ý nói văn chương trau chuốt sáng sủa, có sức truyền cảm thuyết phục lòng người. Súc Văn, với ý nói văn chương hàm súc phong phú, có khả năng nuôi dưỡng vẻ đẹp của tâm hồn. Những kiến trúc này xinh xắn, giản dị, tao nhã, cùng với những cây cổ thụ in bóng xuống giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh, còn được gọi là Văn Trì) cũng tạo nên bức tranh đầy ý nghĩa. Thiên quang là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng là có ý rằng con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ để soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Người xưa có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô.